Gan đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nuôi sống cơ thể. Vì vậy hãy biết giữ gìn để giúp gan luôn khỏe mạnh.
Nếu bạn là một người khỏe mạnh, đương nhiên bạn sẽ không nghĩ nhiều về gan của bạn. Thậm chí bạn còn không nhận thức được gan của bạn đang hoạt động như thế nào. Gan là một bộ phận quan trọng, vì vậy chúng ta nên có những hiểu biết nhất định về nó. Điều này đặc biệt cần thiết nếu bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe hay có tiền sử các vấn đề về gan. Sau đây là giải đáp cho 9 câu hỏi thường gặp mà rất có thể bạn thường băn khoăn.
1. Gan của tôi làm gì?
Gan là một trong những cơ quan làm việc chăm chỉ nhất trong cơ thể bạn, vì nó phải thực hiện đến hàng trăm chức năng. Gan bạn có chức năng thải độc và lưu trữ dưỡng chất để nuôi sống cơ thể.
2. Thói quen nào tốt nhất giúp duy trì gan khỏe mạnh?
Hãy tập trung vào việc ăn uống lành mạnh. “Vì gan lưu trữ hầu hết các dưỡng chất của chúng ta. Đây là cơ quan chính để xử lý dưỡng chất. Bất cứ thứ gì xấu mà bạn dung nạp vào cơ thể sẽ gắn với nguy cơ gây hại gan.”, Timothy Nostrant, giáo sư y học tại ĐH Michigan, Mỹ cho biết.
. Chế độ ăn tốt nhất cho gan là gì?
Hãy luôn nhớ 3 hướng dẫn dinh dưỡng cơ bản.
Trước hết là nên dung nạp protein chủ yếu có nguồn gốc thực vật, tập trung vào thực phẩm thiên nhiên, và giảm lượng chất béo có trong chế độ ăn, TS. Nostrant nói. Vì cơ thể bạn cần protein để hoạt động, và nguồn cung protein tốt nhất là các thức ăn có nguồn gốc thực vật như các loại đỗ đậu, rau họ đậu. Bạn cũng có thể tiêu thụ protein có nguồn gốc động vật, nhưng nên hạn chế. Bạn nên tăng cường ăn rau xanh, hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt mà chưa qua tinh chế hay bị bỏ thêm nhiều chất hóa học, chất bảo quản.
Cuối cùng, cơ thể bạn cũng cần chất béo. Tuy nhiên cần tránh chất béo trans-fat. Lựa chọn các chất béo không bão hòa đơn như quả bơ và các loại hạt, trong đó bao gồm các nguồn chất béo không bão hòa đa như dầu cá, hạt lanh, và hạt bí. Hạn chế tổng lượng chất béo chỉ tối đa 20% trong chế độ ăn của bạn.
4. Tôi có thể làm gì nữa để giúp gan khỏe mạnh?
Mặc dầu chế độ ăn uống là chìa khóa để giúp gan khỏe mạnh, bạn cũng cần phải kiểm soát cân nặng qua khẩu phần ăn và tập thể dục thường xuyên. Tại sao? Vì bệnh béo phì gắn với bệnh gan nhiễm mỡ. Nó có thể dẫn tới xơ gan hay tổn thương gan, thậm chí ung thư gan hoặc suy giảm chức năng gan. Nếu cân nặng là một vấn đề, hãy đặt mục tiêu giảm 20% cân nặng hiện tại của bạn. Nó sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ tổn thương gan, TS. Nostrant cho biết.
Sau đó, cần phải hạn chế rượu. Vì rượu gây ra xơ gan. Đối với phụ nữ, chỉ nên uống 1 cốc rượu vang mỗi ngày, nam giới cũng chỉ nên uống 2 cốc vang mà thôi. Nếu bạn từng là người nghiện rượu và sau đó có đi cai nghiện hay giảm uống rượu, thì nhiều năm sau, lượng rượu trước đó bạn từng tiêu thụ vẫn có thể gây ảnh hưởng tới gan. Đó là lý do tại sao bạn cần phải trung thực với bác sĩ, khi tiến hành các xét nghiệm đánh giá mức độ ảnh hưởng tới gan.
Ngoài ra, còn một số yếu tố nguy cơ khác gây ra tổn thương gan. Trong đó có việc lạm dụng các thuốc như acetaminophen, một loại thuốc giảm đau có thể gây tổn thương gan nếu sử dụng quá liều hay sử dụng một lượng thuốc lớn trong khoảng thời gian quá ngắn khiến gan khó đào thải độc tố của thuốc. (TS. Nostrant khuyến cáo, không nên sử dụng quá 2 gram 1 ngày).
Cuối cùng, bạn có thể giảm nguy cơ tổn thương gan do viêm gan hay viêm gan C bằng cách tránh quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, không sử dụng ma túy, không xăm mình bằng kim tiêm chưa qua khử trùng).
5. Triệu chứng nào tôi cần phải lưu ý nếu gan của tôi không hoạt động tốt?
Mệt mỏi là dấu hiệu thông thường nhất. Bạn cũng có thể thường xuyên nôn nao, buồn nôn, ăn kém ngon miệng, nước tiểu có màu nâu. Nặng hơn, có thể xuất hiện triệu chứng như vàng da, vàng mắt (ở lòng trắng của mắt).
6. Nên làm các xét nghiệm nào khi có điều gì đó không ổn?
Bạn sẽ bắt đầu với một loại xét nghiệm máu được gọi là xét nghiệm chức năng gan. Nó không thực sự xét nghiệm gan đang hoạt động thế nào mà nó là xét nghiệm men gan. Nếu như gan của bạn đang bị rò rỉ enzyme, điều đó có nghĩa là điều gì đó đang tồi tệ xảy ra.
7. Nếu kết quả xét nghiệm máu bình thường, điều đó có đồng nghĩa với gan khỏe mạnh hay không?
Không nhất thiết. Có xét nghiệm chức năng gan bình thường không đảm bảo là gan bạn khỏe mạnh, đặc biệt nếu bạn từng có tiền sử bệnh lý có thể đáng quan ngại về gan”, BS. Decker cho biết. Phụ thuộc vào tiền sử bệnh tật và các triệu chứng của bạn, bác sĩ có thể quyết định cho bạn làm thêm các xét nghiệm như siêu âm, chụp CT hay MRI.
8. Thế còn xét nghiệm viêm gan C, và làm thế nào để biết bạn có nguy cơ mắc hay không?
Hiểu biết về nguy cơ mắc viêm gan C hết sức quan trọng. Bởi vì số ca mắc bệnh này ngày càng gia tăng. Viêm gan C là bệnh gan lây chủ yếu qua tiếp xúc với đường máu với ai đó đã bị nhiễm virus. Virus tiến triển thành một căn bệnh mãn tính. Khoảng 75-85% người nhiễm virus viêm gan C sẽ phát triển thành căn bệnh mạn tính.
Các nhân tố làm tăng nguy cơ viêm gan C bao gồm việc sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch, truyền máu hay cấy ghép nội tạng trước năm 1992, điều trị máu đông trước năm 1987, lọc máu lâu dài, hoặc do có nhiều bạn tình. Nếu bạn nằm trong những trương hợp trên, bác sĩ sẽ khuyên bạn làm các xét nghiệm máu để kiểm tra. CDC cũng khuyến cáo những người sinh ra từ năm 1945-1965 nên kiểm tra ít nhất là một lần.
9. Tiên lượng bệnh của tôi nếu tôi bị chẩn đoán mắc một loại bệnh gan nào đó?
Có 3 loại bệnh về gan chính gồm: gan nhiễm mỡ, viêm gan virus trong đó có viêm gan C và bệnh di truyền. Nếu được kiểm soát tốt, tất cả các loại bệnh trên sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của bạn. Trên thực tế, các bệnh viêm gan do virus là có thể điều trị được, bởi vì các liệu pháp điều trị viêm gan C là cực kỳ khả quan. Một vài người còn hoàn toàn loại trừ được virus ra khỏi cơ thể.
(Theo Everyday Health)