DẤU HIỆU CẢNH BÁO BỆNH NGUY HIỂM PHỤ NỮ THƯỜNG BỎ QUA

DẤU HIỆU CẢNH BÁO BỆNH NGUY HIỂM PHỤ NỮ THƯỜNG BỎ QUA

20/03/2019 Cty CPTM Q&V 0 Bình luận

Cầm kết quả trên tay, Nga chỉ còn biết trách bản thân mình đã quá chủ quan, không đi khám ngay từ khi còn trẻ, để rồi bây giờ phải vất vả trên con đường “tìm con”.

 

Làm sao để phụ nữ khỏe mạnh 

      Trước đây, cứ mỗi khi “chị Nguyệt” ghé thăm, Nga (quê Nam Định) lại bị ám ảnh vì những cơn đau quằn quại mang tên đau bụng kinh hành hạ. Trong những ngày đó, cô gái trẻ hầu như không làm được việc gì nặng, chỉ muốn nằm bệt một chỗ, thậm chí, nhiều khi, vì quá đau, Nga đã phải dùng đến thuốc để hỗ trợ “cắt cơn đau” tạm thời.

Khi ấy, vì còn khá trẻ, chưa lập gia đình cộng với tâm lý việc đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt là chuyện lặt vặt, khó nói của chị em phụ nữ nên Nga rất ngại đi khám mà cứ âm thầm chịu đựng hết tháng này qua tháng khác.

Mãi đến sau này, khi đã lấy chồng hơn 1 năm mà vẫn chưa thấy “tin vui”, Nga mới lấy hết can đảm để đi khám thì ngã ngửa khi biết tin mình bị lạc nội mạc tử cung. Đây là căn bệnh có thể khiến 30-50% phụ nữ có nguy cơ vô sinh nếu không được điều trị kịp thời.

Cầm kết quả trên tay, Nga chỉ còn biết trách bản thân mình đã quá chủ quan, không đi khám ngay từ khi còn trẻ, để rồi bây giờ phải vất vả trên con đường “tìm con”.

Đau bụng kinh kéo dài có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Ảnh minh họa

Từng chia sẻ về vấn đề này, BS sản khoa Lê Thị Kim Dung, phụ trách Trung tâm Y khoa 178 Thái Hà (Hà Nội) cho biết, đau bụng kinh là tình trạng đau vùng hạ vị, xuất hiện trước, trong hoặc sau khi hành kinh. Đau bụng kinh có thể bắt gặp ở những thiếu nữ chưa chồng hoặc cả những phụ nữ đã lập gia đình.

Nguyên nhân là do khi đến kỳ kinh nguyệt, tử cung căng phồng lên, niêm mạc tử cung dầy lên chèn ép gây đau. Bên cạnh đó, trong quá trình “tống” máu kinh ra ngoài, cơ tử cung phải co lại, do đó, các cơn đau cũng xuất hiện.

Theo BS Kim Dung, tùy vào từng người mà có mức độ đau khác nhau. Chẳng hạn, có chị em chỉ thấy hơi đau vùng bụng dưới trong 1-2 ngày đầu hành kinh. Tuy nhiên, cũng có những người bị đau bụng dữ dội kèm theo các triệu chứng hoa mắt, chân tay bủn rủn, đầy bụng, buồn nôn… trong suốt chu kỳ kinh khiến cuộc sống bị ảnh hưởng khá nhiều. Không những thế, đây cũng là dấu hiệu cảnh báo chị em có thể đã mắc một số bệnh lý nguy hiểm.

Cụ thể, những người thường xuyên bị đau bụng kinh kéo dài có thể nghĩ tới việc mình bị bệnh lạc nội mạc tử cung, nghĩa là lớp niêm mạc không nằm trong tử cung mà “di cư” đến những chỗ khác như: Bụng, bàng quang thậm chí là buồng trứng. Bệnh này không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể dẫn đến vô sinh hoặc gây khó khăn trong việc thụ thai của phụ nữ.

Ngoài ra, đây có thể là dấu hiệu của chửa ngoài tử cung. Chị em bị chảy máu, đau bụng nhưng vì nó rơi đúng vào chu kỳ kinh nguyệt, nên cứ nghĩ đây chỉ là biểu hiện bình thường. Điều này rất nguy hiểm vì nếu điều trị muộn, thai bị vỡ, chảy máu nhiều có thể dẫn đến biến chứng vô sinh, thậm chí là tử vong.

Khi có dấu hiệu bất thường, bạn nên đi khám bác sỹ Phụ khoa ngay để được tư vấn chữa trị kịp thời 

Chính vì thế, BS Kim Dung khuyến cáo, khi thấy bị đau bụng kinh kéo dài, chị em chớ nên chủ quan mà phải đi khám để dự phòng trường hợp xấu có thể xảy ra để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh ân hận về sau.

Cách làm giảm đau bụng kinh:

- Nếu chỉ đau bụng ở mức độ nhẹ nhàng thì có thể dùng phương pháp massage bụng dưới. Lấy tay massage theo hình vòng tròn, phương pháp này vừa làm ấm bụng lại giảm sự co thắt quá đột ngột, sẽ giúp giảm cơn đau.

- Dùng túi chườm hoặc chai nước ấm chườm vùng bụng dưới. Phương pháp này cũng làm dịu cơn đau giúp chị em thấy “nhẹ nhàng” hơn.

- Giữ ấm cơ thể vì hơi ấm sẽ làm cho máu dễ lưu thông, các cơ bắp được thư giãn, từ đó, hỗ trợ làm giảm cơn đau.

- Hạn chế làm việc nặng trong những ngày “đèn đỏ”, nhất là việc gập người, đứng lên ngồi xuống nhiều để giảm áp lực lên phần bụng, tránh gia tăng cơn đau.

- Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nhất là vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng bằng nước ấm trong suốt những ngày hành kinh.

- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế đồ cay nóng, thức uống có cồn. Không nhịn đói trong những ngày kinh nguyệt vì đói quá cũng khiến cơn đau tăng lên.

- Uống thuốc giảm đau: Trường hợp nếu áp dụng tất cả các phương pháp trên mà vẫn bị đau bụng kinh, chị em nên uống thuốc để giảm cơn đau. Tuy nhiên loại thuốc nào nên uống và liều lượng uống ra sao, tốt nhất nên nghe sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ, không nên tùy tiện dùng để tránh gây hại.

 

Theo N.Mai (Gia đình & Xã hội)

BÌNH LUẬN:
0966894389
popup

Số lượng:

Tổng tiền: